Tỉnh Đắk Lắk có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, đang chớm vụ thu hoạch sầu riêng 2024. Vụ sầu riêng đầy hứa hẹn của tỉnh, với sản lượng ước đạt trên 300.000 tấn, đang bắt đầu bằng những lo âu, khi mưa kéo dài làm trái cây rụng sớm dẫn đến chất lượng khó kiểm soát.
Trong không khí tấp nập của phiên giao dịch sầu riêng đầu mùa thu hoạch ở thủ phủ sầu riêng Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Tân Đông, xã Ea Yông, phải chờ khá lâu mới bán được 2 sọt sầu riêng của gia đình. Bất ngờ đến khó tin là 2 sọt, tổng cộng 57kg sầu riêng mà chỉ đem lại cho bà Vân 180 nghìn đồng, ít hơn số tiền bán 1 trái sầu riêng tiêu chuẩn. Bà Vân cho biết, phải 20 ngày nữa sầu riêng mới đủ tuổi thu hoạch, nhưng vì mưa kéo dài nên bị rụng sớm, phải “bán đổ, bán tháo”.
“Hàng (dạt) như này là hàng đẹp rồi. Nhưng hôm qua mua giá có 3.000 đồng. Bán như vậy thấy đau lắm bởi vì bình thường bán một quả đã hơn 200.000 đồng”, bà Vân chua xót.
Thực tế cho thấy, không phải sầu riêng kem – dạt nào cũng có giá chỉ 3.000 đồng/kg. Nếu nông dân chấp nhận để vựa mua chọn, vẫn có một tỷ lệ nhất định đạt 10.000 đồng/kg. Nhưng sau đó, phần còn lại sẽ hầu như không còn giá trị. Một số thương lái ở xã Ea Knuêch, huyện Krông Pắc đang chờ bán sầu riêng dạt cho biết, họ đang năn nỉ giá 1.000 đồng cho phần sầu riêng còn lại mà vựa không mua.
“1.000 đồng mà phải đứng chờ đợi từ bấy đến giờ. 1.000 đồng/kg còn không đủ công chở”, một thương lái bức xúc.
Không chỉ khiến những trái sầu riêng rụng sớm, tổn thất đến hơn 90% giá trị, mưa kéo dài còn làm giảm chất lượng và giá trị của những trái sầu riêng đã đủ ngày tuổi. Chớm vụ thu hoạch này, dọc Quốc lộ 26 qua thủ phủ sầu riêng Krông Pắc, không thiếu thương lái chở hàng tới các vựa sầu riêng để bán nhưng không được chấp nhận. Lý do là các vựa chê “cơm yếu”- một cách nói trong nghề nhằm chỉ múi sầu riêng không đạt màu sắc và độ ngọt cần thiết. Sau khi thương lượng bán sầu riêng cho vựa không thành, anh Ma Lôi một thương lái khác ở xã Ea Yong, huyện Krông Pắc, buồn bã: “Giờ thì họ không chịu bắt hàng này nên phải đi (tìm vựa khác). Vì cơm bị yếu đó. Nói chung, khi trời mưa quá thì cơm không có lên”.
Giống như mọi năm, chớm vụ thu hoạch sầu riêng 2024 ở tỉnh Đắk Lắk, các xe container đậu chật kín các bãi đỗ hai bên Quốc lộ 26, đoạn từ xã Ea Knuêch đến thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, chờ chở hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Điều khác với thường lệ là các xe phải chờ lâu hơn, có khi từ 1 tuần đến gần 3 tuần. Theo một tài xế ở thành phố Hồ Chí Minh có chuyến sầu riêng từ Krông Pắc, không chỉ Đắk Lắk có mưa kéo dài khiến các vựa khó gom đủ sầu riêng chất lượng cao cho xuất khẩu, mà phía thị trường Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn làm giảm sức tiêu thụ, khiến giá sầu riêng giảm mạnh.
“Bên đó bán được thì hàng lên vun vút, nhưng bữa nay xuống rồi, xuống còn có tám mấy ngàn đồng/kg. Xe tôi đã bốc đủ hàng rồi, nhưng còn chờ bên Trung Quốc chuyển tiền thì mới chạy”, tài xế cho biết.
Mưa kéo dài khiến rụng trái sớm, hoặc làm trái bị no nước, sượng múi, nhão cơm, dễ hư hỏng, là thách thức chất lượng đối với ngành sầu riêng Đắk Lắk. Nếu như năm 2023, mưa kéo dài xảy ra vào tháng 9 vãn vụ, gây thiệt hại ít, thì năm nay lại bắt đầu từ tháng 7 chớm vụ, nên gây nhiều thiệt hại. Điều an ủi là một số doanh nghiệp trong ngành đã mạnh dạn nghiên cứu và bước đầu triển khai công nghệ sấy tách nước, khắc phục phần nào vấn đề “no nước-nhão cơm” của sầu riêng mùa mưa.
Theo bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Xanh Đà Lạt, có cơ sở thu mua và xử lý sầu riêng tươi tại Đắk Lắk, giải pháp tách nước này sẽ làm giảm độ ẩm của trái sầu riêng tươi xuống còn 65%, thấp hơn độ ẩm 68% của sầu riêng Thái Lan, góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng của sầu riêng xuất khẩu.
“Đây là công nghệ tách nước. Và sầu riêng mình đưa vào là sầu riêng tươi nguyên trái, kể cả sầu riêng cắt lúc trời mưa hay cắt trời nắng thì cũng vậy. Đưa vào máy này để mình rút bớt nước từ trong múi sầu riêng ra sẽ làm cho độ ngọt của sầu riêng ngọt hơn, tươi hơn”, bà Hà cho biết.
Lệch vụ là ưu thế lớn của ngành sầu riêng tỉnh Đắk Lắk so với các vùng miền khác của cả nước và với các quốc gia sản xuất sầu riêng, giúp rộng đường tiêu thụ cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc lệch vụ vào đúng mùa mưa lại khiến ngành hàng thế mạnh này đứng trước thách thức về chất lượng. Để ưu thế lệch vụ của Đắk Lắk vượt qua được lực cản thời tiết, cần có nhiều hơn giải pháp nông học và chế biến. Trước mắt, việc kiểm soát chất lượng đang được tỉnh này đặt lên hàng đầu, bằng việc tăng cường kiểm tra các vùng trồng và cơ sở đóng gói, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định, tránh để lọt những trái sầu riêng không đủ phẩm chất vào những lô hàng xuất khẩu.
Nguồn: Vov.vn