Từ những nguyên liệu bị vứt bỏ, nhiều phụ nữ ở Đắk Lắk đã tận dụng để biến phế liệu thành những sản phẩm hàng hóa tạo thêm thu nhập, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới tiêu dùng xanh.
Sau 7 năm gắn bó với việc sản xuất túi tái chế từ đồ jean cũ, chị Lý Thị Kim Bình, ở buôn Păn Lăm, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tạo dựng được cơ sở kinh doanh với 5 lao động. Mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường hơn 7.500 sản phẩm túi vải các loại, doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Chị Lý Thị Kim Bình chia sẻ, ban đầu là tái chế quần áo cũ thành đồ dùng mới, được sự ủng hộ của khách hàng đã thôi thúc cơ sở của chị tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm mới.
“Con mình thiết kế sản phẩm và mình là người may. Sản phẩm thường được con bán online rất hiệu quả. Sắp tới mình sẽ làm kênh bán offline (bán trực tiếp – PV) để cho những người phụ nữ như mình có một hướng nhìn chung về tác động môi trường, tác động xã hội, giảm lượng rác thải ra môi trường và tác động chính đến nguồn thu nhập của mình”, chị Bình cho biết.
Còn với chị Đào Thị Vân, ở phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, ý tưởng khởi nghiệp với chén đĩa làm từ mo cau hình thành trong một lần đi tham quan mô hình sản xuất tại tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi nghiên cứu vùng nguyên liệu tại Đắk Lắk, từ giữa năm 2023 chị quyết định đầu tư mua máy móc sản xuất.
Đến nay, trung bình mỗi tháng chị làm ra trên 30.000 chén, đĩa, khay, tô các loại, giá bán trung bình 2.300 đồng/sản phẩm. Chị Đào Thị Vân cho biết, sản phẩm làm từ mo cau nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng bởi ưu thế thân thiện với môi trường.
“Hiện tại đơn vị đang tiêu thụ sản phẩm trên website và trên sàn thương mại điện tử. Năm qua sản phẩm của đơn vị chủ yếu tài trợ nhiều cho các chương trình của học sinh, sinh viên cắm trại sử dụng thử sản phẩm hướng đến môi trường xanh, tiêu dùng xanh. Bẹ cau xuất xứ hoàn toàn từ thiên nhiên, quy trình xử lý đơn giản, chỉ ngâm nước và rửa sạch sau đó bỏ vào khuôn ép ra các thành phẩm, chiếu tia UV khử khuẩn đạt tiêu chuẩn chất lượng”, chị Vân thông tin.
Từ những dây đai nhựa bị vứt bỏ tại các công trình xây dựng hay các sạp rau, sạp trái cây ở chợ, chị H Âu Niê, ở buôn Tlung, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã tạo ra những món đồ thủ công tiện dụng. Gần nửa năm nay, chị tập hợp các chị em cùng làm và nhờ các tổ chức hội đoàn thể kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ. Những chiếc giỏ đựng đồ, sọt rác, lồng gà hay làn đi chợ đan bằng dây đai nhựa có giá dao động từ 80.000 – 200.000 đồng. Theo chị H Âu, công việc này khá đơn giản nên ai cũng có thể làm tại nhà những lúc rảnh rỗi.
“Hiện tại cơ sở có 7 – 8 thành viên cùng làm. Mỗi sản phẩm làm mất từ 3 – 7 tiếng tùy theo mức độ đơn giản hay phức tạp và mọi người đều có thể tranh thủ làm những lúc nhàn rỗi. Các sản phẩm thủ công đều được làm bằng tay, được tái chế từ dây đai nhựa thu gom về được làm sạch. Cho đến nay các sản phẩm của cơ sở đã được xuất hiện quanh thôn, buôn của và tùy theo lượng khách đặt hàng”, chị H Âu kể.
Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, nhiều phụ nữ đã được hỗ trợ, tạo điều kiện để khởi nghiệp. Trong số này, nhiều chị đã tận dụng những nguyên liệu phổ biến tại địa phương, thậm chí bị xem là “rác thải”, để tạo ra những sản phẩm hàng hóa.
“Hội viên phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã phát huy tố chất, sự sáng tạo cùng nỗ lực đi lên của chính bản thân để khai thác những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế sẵn có ở địa phương theo phong cách dân dã và có từ lâu đời. Nhiều cơ sở sản xuất đã khai thác những thế mạnh đó trở thành sản phẩm hàng hóa, vừa phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của mọi gia đình, vừa tạo thu nhập, giải quyết công ăn việc làm và cải tạo được môi trường xanh, sạch, đẹp”, bà Tâm cho biết.
Với sự khéo léo, sáng tạo, nhiều phụ nữ ở Đắk Lắk đã biến những nguyên liệu phế thải thành những sản phẩm hàng hóa. Thành công đó không chỉ đem lại thu nhập cho mà còn góp phần hình thành nên lối sống xanh, bảo vệ môi trường.
Nguồn: Vov.vn