Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính Phủ đề xuất mở rộng quy mô gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội lên 140.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay người mua nhà giảm 1-3%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có tờ trình Chính Phủ đề xuất mở rộng quy mô gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội lên 140.000 tỷ đồng. Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao đề xuất này, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu, tìm cách làm bằng được gói tín dụng này vì đây là chính sách nhân văn, giúp những người khó khăn có chỗ ở.
Như dự án nhà ở công nhân tại Yên Phong, Bắc Ninh, là khu công nghiệp tập trung rất nhiều công nhân, người lao động. Đây cũng là 1 trong số 78 dự án NƠXH đủ điều kiện vay vốn của gói 120.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước big 4, thì đã có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần nữa, đăng ký mỗi ngân hàng cho vay 5.000 tỷ đồng, nâng tổng quy mô gói vay ưu đãi lên 140.000 tỷ đồng. Mức lãi suất cho vay người mua nhà cũng được đề xuất theo hướng giảm sâu hơn, giảm từ 1-3% so với mức lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của 4 ngân hàng lớn. Còn chủ đầu tư vẫn giữ mức giảm từ 1,5-2% như hiện nay. Phía ngân hàng cho biết luôn sẵn sàng nguồn vốn cho vay.
Mở rộng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội
Theo quy định, người mua nhà sẽ được vay ưu đãi trong 5 năm. Nhưng Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục hỗ trợ cho người mua vay trong thời gian dài hơn, giúp họ yên tâm trả nợ.
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Thời hạn kéo dài 5 năm, sau 5 năm sẽ có 5 năm tiếp kéo dài thời gian cho vay là 10 năm, mức lãi suất 5 năm tiếp theo có thể sẽ giảm từ 1-2%, để tạo điều kiện cũng như yên tâm cho người mua nhà vay vốn”.
“Theo chỉ đạo của của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước cũng họp các ngân hàng để tiếp tục giảm lãi suất cho người mua nhà, trước đây giảm từ 2%, giờ thêm 1% nữa là giảm 3%. Với lãi suất cho vay bình quân của Big4 đã rất thấp, giảm thêm 3% nữa thì gần như chúng tôi không có lãi ở lĩnh vực cho vay đối với những người mua nhà như này”, bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay.
Hiện đã có 12 dự án NƠXH được giải ngân. Dự án nhà ở GHomes đang trong quá trình nhận hồ sơ đăng ký mua nhà. Nhờ đủ vốn, tiến độ dự án đã được đẩy sớm hơn 1 năm. Dự kiến, 800 căn nhà ở xã hội của dự án sẽ được vào sử dụng từ đầu năm 2025.
Ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Toàn Cầu, Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội GHomes Hạ Long cho hay: “Để vay được gói này, các thủ tục pháp lý dự án đương nhiên chuẩn chỉ rồi, nhưng cũng phải có nỗ lực chủ đầu tư, là yêu cầu chủ đầu tư bỏ 20% tổng mức cho dự án thì ngân hàng mới giải ngân cho chủ đầu tư”.
Để phù hợp và sát hơn với tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất điều chỉnh lãi suất cho vay 3 tháng 1 lần, tức là rút ngắn 1 nửa so với mức 6 tháng hiện nay.
Gói 120.000 tỷ đồng được mở rộng lên 140.000 tỷ đồng. Nhưng phải nhìn nhận thực tế là đến nay, mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng. 1 con số tương đối khiêm tốn. Nguyên nhân có nhiều, như mới có 78 dự án đủ điều kiện, 1 số dự án đang trong quá trình làm thủ tục, chưa có nhu cầu vay. Tuy nhiên, con số này được kỳ vọng sẽ thay đổi, khi nhiều quy định liên quan đã được nới hơn trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, mới có hiệu lực từ đầu tháng 8 này.
Đơn cử như để giúp người lao động có thể đến gần hơn với các căn NƠXH, quy định mới đã nới điều kiện về thu nhập cho người mua nhà. Cụ thể, thay vì người mua nhà ở xã hội phải có thu nhập dưới mức 11 triệu đồng/tháng như trước đây, thì theo Nghị định số 100/2024 của Chính phủ, vừa mới được ban hành, người đứng đơn mua nhà là người độc thân thì có thu nhập thực nhận không quá 15 triệu đồng/tháng; còn nếu là vợ (chồng), tổng thu nhập không quá 30 triệu đồng/tháng. Bởi Ghi nhận từ thực tế cho thấy, với thu nhập khoảng dưới 11 triệu đồng/tháng, người lao động khó có thể đủ khả năng vừa trang trải chi phí sinh hoạt, vừa tích lũy tiền để mua nhà. Vì vậy, điểm thay đổi quan trọng này trong Nghị định mới ban hành được đánh giá sẽ giúp “gỡ khó” cho người mua và cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội.
Nhiều thay đổi về luật giúp tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Là công nhân may mặc, mỗi tháng thu nhập của chị Vân khoảng 12 triệu đồng. Sau khi biết điều kiện thu nhập để mua được nhà ở xã hội đã nâng lên 15 triệu đồng/tháng, chị rất vui mừng vì mình đã thuộc diện được xét mua nhà, giấc mơ về một nơi an cư đang gần ngay trước mắt.
“Tôi rất mừng và tôi cũng hy vọng tôi có cơ hội để được mua. Vì nó đủ với khả năng của mình, nó giúp mình “an cư thì lạc nghiệp” mà”, chị Nguyễn Thị Hồng Vân – huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Nghị định 100 của Chính phủ cũng đưa ra quy định: bỏ điều kiện phải có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú khi đăng ký thuê, mua nhà xã hội tại các địa phương. Đây cũng là điểm mới giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội.
“Giờ mình đang ở trọ, ở thuê thì hàng tháng phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền để trả, thay vì mình có ngôi nhà thì mình tiết kiệm được bao nhiêu kinh tế cho mình, lo được đủ kinh tế hơn”, chị Nguyễn Thị Phương Thảo – quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Điều kiện mua nhà ở xã hội đã thông thoáng, người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là làm sao có nhà để mua. Tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2021 đến nay, Thành phố chỉ mới hoàn thành 4 dự án nhà ở xã hội với hơn 1.200 căn và 6 dự án đang thi công, quy mô gần 4.400 căn. Trong khi mục tiêu của Thành phố đến năm 2025 là 35.000 căn.
Một trong nguyên nhân lớn nhất khiến nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt là do thủ tục đầu tư, thời gian xin cấp phép kéo dài. Thế nhưng những vướng mắc này cũng đã được tháo gỡ khi Luật Nhà ở 2023 cho phép chủ đầu tư nhà ở xã hội được miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng đất giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành cho hay: “Tôi cho rằng đây là một bước tiến rất tốt cho nhà ở xã hội vì khâu định giá tiền sử dụng đất rồi sao đó mới được miễn, nói như vậy nhưng mất đến 2 – 3 năm. Vậy ngay từ đầu khi ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất hoặc giao đất ghi thẳng luôn là miễn tiền sử dụng đất theo luật đã giúp cho doanh nghiệp rất nhiều trong việc đẩy nhanh thủ tục pháp lý”.
“3 luật này tạo ra hành lang pháp lý mới mà nó rất rõ ràng trong việc khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Nó sẽ trao quyền phát triển nhà ở xã hội theo địa phương”, ông Huỳnh Phước Nghĩa – Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định.
Với hàng loạt chính sách được ban hành, các chuyên gia dự báo, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Những khó khăn trong phát triển NƠXH, nhà ở công nhân khi được tháo gỡ, sẽ giúp tăng nguồn cung các dự án. Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, từ 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai. Tuy nhiên, mới có 79 dự án hoàn thiện. Do đó, cần những giải pháp đồng bộ giúp tăng số lượng dự án, gia tăng sự lựa chọn cho người lao động, thì mới có thể thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Nhưng 1 lưu ý quan trọng, là các dự án cũng cần đáp ứng đúng nhu cầu của người lao động, như có thêm hạ tầng tiện ích, trường học, hay khu vui chơi… mới có thể thu hút người mua. Theo đề án của Chính Phủ, mục tiêu đến năm 2030, sẽ có khoảng 1 triệu căn hộ NƠXH, nhà ở công nhân, đáp ứng nhu cầu an sinh cho người dân.
Nguồn: Vov.vn