Thời điểm này, nhiều vùng trồng sầu riêng ở Đắk Lắk đã bắt đầu cho thu hoạch niên vụ 2024. Cùng với tăng cường quản lý về an ninh trật tự, nhiều địa phương trong tỉnh đang tập trung các giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu sầu riêng của mình.
Hơn 1 tháng nay, thương lái liên tục liên hệ với ông Lê Văn Thành ở thôn Phước Hoà, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk để chốt giá sầu riêng trong khu vườn rộng hơn 2 ha của ông. Thế nhưng ông Lê Văn Thành cho biết, dù giá thương lái đặt mua là khá cao, dao động từ 70.000- 85.000/kg cho giống sầu riêng Dona nhưng ông vẫn không bán.
“Hiện tại họ cũng chốt nhiều giá lắm. Với những gia đình còn tầm 5-10 ngày là vô vụ thì họ mới chốt để giữ chất lượng tốt nhất cho vụ sầu riêng này và để cho giá ổn định hơn”, ông Thành nói.
Là 1 trong 2 địa phương của Đắk Lắk đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ cấp chứng nhận “Nhãn hiệu sầu riêng tập thể”, huyện Krông Pắc đang nỗ lực xây dựng, khẳng định thương hiệu thông qua chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy cho biết, với diện tích hơn 8.000 ha, niên vụ này, dự kiến sản lượng sầu riêng toàn huyện đạt trên 92.000 tấn. Rút kinh nghiệm việc trước đây một số lô hàng sầu riêng của Việt Nam bị phía Trung Quốc trả về do không đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, huyện đang tăng cường công tác này.
“Huyện đang tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý mã vùng trồng. Đặc biệt là phải có nhật ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Thứ hai là chúng tôi cũng đang tập trung tăng cường vận động nhân dân sản xuất sầu riêng một cách an toàn mang lại chất lượng, uy tín tốt nhất thì mới đảm bảo phát triển sầu riêng bền vững”, Trần Hồng Tiến cho hay.
Đắk Lắk hiện có gần 33.000 ha trồng sầu riêng, sản lượng đạt hơn 280.000 tấn. Toàn tỉnh có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng được cấp mã số phục vụ xuất khẩu. Hai huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sầu riêng tập thể là Krông Pắc và Cư Mgar. Hai huyện đang xây dựng đề án đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Buk và EaHleo.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đây là nền tảng cơ sở để địa phương tiếp tục hướng đến phát triển hành hàng sầu riêng bền vững đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Do đó, trách nhiệm từ phía quản lý nhà nước, cùng với việc quan tâm đến quy hoạch, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tổ chức chuỗi liên kết…, tỉnh đặc biệt quan tâm đến quản lý chất lượng.
“Từ phía nhà nước, ở cấp huyện và cấp tỉnh, chúng tôi sẽ kiểm tra các chất dư lượng trên đồng ruộng, cũng như một số cơ sở để phục vụ công tác quản lý để sớm có cảnh báo. Tránh tình trạng mang tới biên giới rồi phải mang về. Điều này rất thiệt hại, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn về uy tín và rất nhiều thứ nữa”, ông Nguyễn Văn Hà cho biết.
Nguồn: Vov.vn