Đồng bào Cơ Tu Quảng Nam thoát nghèo từ mô hình trồng cây ăn quả

VOV.VN -Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, việc phát triển những mô hình trồng cây ăn quả đang là hướng đi mới mang lại hiệu quả cho người dân, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu. Những đồi ngô, vườn sắn được thay bằng những vườn cây ăn quả tươi tốt, trĩu quả, giúp người dân có cuộc sống khấm khá, nhiều hộ vượt khó vươn lên.

Trước đây, gia đình bà Trêl Thị Hinh, người Cơ Tu, ở tổ dân phố A Duông, thị trấn Prao huyện miền núi Đông Giang chỉ sống dựa vào nương rẫy, trồng xen canh cây sắn nên chỉ đủ ăn qua ngày. Năm 2018, sau khi tìm hiểu về trồng cây sầu riêng của người dân ở tỉnh Gia Lai, vợ chồng bà Trêl Thị Hinh đã vay vốn đầu tư trồng loại cây mới mẻ này. Hiện nay, gia đình bà Hinh trồng hơn 200 cây sầu riêng. Theo bà Hinh, sầu riêng nếu được mùa cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Ngoài trồng sầu riêng, bà Hinh còn trồng cây quế, cây ổi, mít. Từ thành công trong việc trồng cây ăn quả, bà Hinh đã hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cho bà con ở địa phương học tập và làm theo. Đến nay, không chỉ thoát nghèo, gia đình bà Hinh đã là hộ khá giả.

Nhờ trồng sầu riêng cuộc sống khấm khá hơn, so với cây khác hiệu quả cao hơn rất nhiều, 1 ký sầu riêng bán ra 80.000 đồng đến 90.000 đồng. Giờ con cháu, anh em đang tập trung trồng sầu riêng. 100 cây thu nhập cả trăm triệu. Mong muốn chính quyền hỗ trợ  để nhân rộng đến các hộ dân khác”- bà Hinh chia sẻ.

Dong bao co tu quang nam thoat ngheo tu mo hinh trong cay an qua hinh anh 1
Gia đình bàTrêl Thị Hinh thoát nghèo nhờ trồng cây sầu riêng
Dong bao co tu quang nam thoat ngheo tu mo hinh trong cay an qua hinh anh 2
1 kg sầu riêng bán ra với giá 80.000 đồng đến 90.000 đồng

Tại huyện miền núi Đông Giang có hơn 100 mô hình nông dân làm kinh tế giỏi với các mô hình kinh tế trang trại kết hợp nông- lâm nghiệp, phát triển kinh tế tổ hợp tác theo nhóm hộ liên kết, chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, cải tạo vườn tạp và phát triển kinh tế vườn. Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ vài chục triệu lên đến vài trăm triệu đồng/năm.

Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Mấy năm trước, bà con chủ yếu duy trì sản xuất theo tập quán cũ, thiếu vốn đầu tư cũng như chưa có mô hình liên kết trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, nhiều hộ đã biết cách làm ăn, vượt khó làm giàu. Từ năm 2022 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép khác nhau, huyện Đông Giang đã hỗ trợ các địa phương gần 100 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

“Hộ nghèo hiện nay ở huyện Đông Giang còn 37,46%, giảm hơn 7% năm, cận nghèo còn khoảng 10%. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm những lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và công tác rà soát hộ nghèo từng năm. Một số địa phương đã áp dụng tiến bộ khoa học như trồng quế, trồng sầu riêng, nuôi heo cỏ, cây măng cụt, cây chuối và bước đầu có hiệu quả. Thời gian đến chúng tôi tiếp tục nhân rộng địa phương khác, quyết tâm đến năm 2029, giảm nghèo còn 5%”- ông Đỗ Hữu Tùng thông tin thêm.

Dong bao co tu quang nam thoat ngheo tu mo hinh trong cay an qua hinh anh 3
Cam Vinh trên đất đồi Tây Giang phát triển tốt

 Huyện miền núi Tây Giang cũng có nhiều nông dân đi đầu  trong phát triển trồng cây ăn quà cho thu nhập hiệu quả cao. Điển hình như anh Hốih Anh, ở thôn Aring, xã vùng biên Axan. Mấy năm trước, anh Hốih Anh mua giống cam Vinh để trồng thử nghiệm trên đất đồi. Năm đầu trồng 30 gốc, thấy cam phát triển tốt, anh vay thêm vốn, mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng cam. Hiện nay, gia đình Hốih Anh đã có hàng trăm gốc cam trên diện tích 5.000 m2. Cây cam Vinh trên đất đồi Tây Giang phát triển tốt, trái căng tròn, có vị ngọt thanh, hương thơm dịu. Mỗi năm gia đình Hốih Anh thu lãi hơn 150 triệu đồng từ vườn cây.

“Được sự hỗ trợ của chính quyền, địa phương tôi đã trồng và phát triển cây cam cho hiệu quả  kinh tế. Trước đây, chưa trồng cây cam cuộc sống khó khăn hiện nay đời sống ổn định, gia đình vươn lên thoát nghèo. Mỗi năm tôi trồng 2 vụ, thu hoach khoảng 4 đến tấn cam. Ngoài ra, tôi trồng thêm cây đẳng sâm và và cây ba kích”- anh Hốih Anh nói.

 Cuộc sống của đồng bào Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam trước đây rất khó khăn, chủ yếu thu nhập dựa vào rừng. Bây giờ, nhiều hộ nông dân biết cách đầu tư phát triển các mô hình kinh tế cây ăn quả, chăn nuôi vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững. Tại tỉnh Quảng Nam hiện có 1.500 là hội viên nông dân đi đầu trong phát triển kinh tế giỏi. Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đứng ra tín chấp với các ngân hàng hỗ trợ hơn 45.000 hộ dân vay vốn phát triển sản xuất, tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.

Dong bao co tu quang nam thoat ngheo tu mo hinh trong cay an qua hinh anh 4
Nhiều người dân miền núi Quảng Nam thoát nghèo nhờ trồng cây ăn quả

“Đối với các huyện miền núi, các chương trình mục tiêu quốc gia tập trung hỗ trợ bà con rất nhiều. Cụ thể các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang bà con Cơ Tu sử dụng vay vốn từ các ngân hàng cũng như qua kênh của Hội Nông dân để đầu tư phát triển nhiều mô hình hiệu quả, đem lại thu nhập, cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế. Chúng tôi thường hỗ trợ đầu tư nhân rộng để người dân tham quan, học tập áp dụng cho gia đình mình. Nhiều hội viên nông dân giàu lên từ những mô hình này và đã đóng góp cho tỉnh Quảng Nam nhiều sản phẩm OCOP”- ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Quảng Nam cho hay.

Nguồn: Vov.vn