Sáng nay 2/8, trong khuôn khổ chương trình công tác của Bộ Tài chính Việt Nam tại Australia, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Bộ ngoại giao và thương mại Australia (DFAT); Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney tổ chức Toạ đàm Kết nối thị trường tài chính Việt Nam – Australia tại thành phố Sydney.
Tham dự Toạ đàm về phía Việt Nam có bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN); ông Nguyễn Đăng Thắng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney; ông Lương Hải Sinh, Chủ tịch thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE); ông Nguyễn Anh Phong, Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội; Đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Về phía Australia, tọa đàm có sự tham dự của ông Nicholas Moore, Đặc phái viên Chính phủ Australia tại Đông Nam Á; ông David Cava Lough, Chủ nhiệm Văn phòng tiểu bang của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT); bà Arabella Bennette, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư của nước này.
Tại cuộc tọa đàm, bà Vũ Thị Chân Phương chia sẻ các thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam và mong muốn thông qua các hoạt động toạ đàm, xúc tiến đầu tư sẽ giúp các nhà đầu tư Australia có cái nhìn toàn diện về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước đã không ngừng nỗ lực, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ngày càng hiệu quả, chất lượng và bền vững. Trong hơn 24 năm vận hành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ được sức hấp dẫn, thông qua số lượng hàng hóa trên sàn, quy mô thanh khoản cao và thu hút sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước Vũ Thị Chân Phương chia sẻ, tính tới tháng 7/2024, trên thị trường có tổng cộng hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 278 tỷ đôla, tương đương 65% GDP năm 2023. Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ với 8 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương hơn 10% dân số trưởng thành. Bà Vũ Thị Chân Phương khẳng định “trong khu vực ASEAN, thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường rất năng động với mức thanh khoản lên tới khoảng 1 tỉ USD/ngày, đứng nhất, nhì trong khu vực về thanh khoản”.
Việt Nam thúc đẩy tài chính xanh
Đề cập đến nỗ lực phát triển thị trường tài chính xanh, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, trong những năm qua, ngoài nỗ lực để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước luôn quan tâm đến các chính sách và tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, cũng như tăng cường phát triển xanh, phát triển bền vững.
Hiện nay Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 với nhiều các mục tiêu bao trùm và tham vọng hơn, bao gồm việc chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thành lập thị trường giao dịch carbon, giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.
Việc thúc đẩy tài chính xanh, tài chính bền vững, đầu tư có trách nhiệm là một trọng tâm ưu tiên của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước. Trong thời gian qua, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo một nền tảng vững chắc cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đã có những doanh nghiệp tài chính huy động vốn xanh thành công qua phát hành trái phiếu xanh theo các nguyên tắc và thông lệ tốt nhất hiện nay. Cụ thể, Công ty tài chính điện lực đã phát hành thành công trái phiếu xanh EVN Finance Green Bond có giá trị tương đương 75 triệu USD; Ngân hàng BIDV đã trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA tại thị trường trong nước có giá trị gần 100 tỷ USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp niêm yết đã nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin về ESG khi bổ sung nội dung công bố về tổng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp tại Báo cáo thường niên của mình.
Việt Nam có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tài chính xanh
Cũng tại buổi Toạ đàm, dưới sự chủ trì của ông Nicholas Moore các nhà đầu tư, khách hàng, doanh nghiệp tại cả Việt Nam và Australia đã có cơ hội giới thiệu thế mạnh và sự quan tâm của mình đối với thị trường tài chính xanh cũng như sự sẵn sàng hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng trong việc tài trợ các dự án xanh, dự án phát triển bền vững.
Đại diện Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ngân hàng có thể cung cấp vốn vay cho nhiều lĩnh vực khoảng 70% chứng chỉ các dự án. BIDV cũng có thể cung cấp các khoản vay hợp vốn, các khoản bảo lãnh. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, BVID hoàn toàn có thể hỗ trợ cho các đối tác vay vốn với khoản hỗ trợ hàng tỷ USD. Đại diện của BIDV cho biết, “đối với các nhà đầu tư tài chính, cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất nhiều thông qua các khoản đầu tư song phương, thông qua thị trường chứng khoán với các khoản cổ phiếu và trái phiếu. Đặc biệt ở Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh. BIDV có kế hoạch từ nay đến năm 2030 phát hành trái phiếu xanh với trị giá 16 tỷ USD”.
Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Vũ Quang Đông, Phó Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông tin về nguồn vốn xanh và phát triển xanh hơn. Theo ông Đông, tài chính là kênh đầu tiên có thể kết nối doanh nghiệp hai nước. Điều này góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác và đầu tư của hai nước. VCB là doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. VCB có chiến lược phát triển tài chính xanh và có nguồn vốn hỗ trợ phát triển tài chính xanh ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam. Ông Đông cũng cho rằng, thông qua việc kết nối khách hàng doanh nghiệp, VCB mong muốn được cung cấp kiến thức và thông tin cho khách hàng của mình để họ có thể đáp ứng được các yêu cầu của đối tác về phát thải khí carbon”.
Đại diện cho các nhà đầu tư Australia chia sẻ tại toạ đàm, bà Mary Dranhy, Giám đốc điều hành Hiệp hội các Quỹ đầu tư hưu trí Australia cho biết: Việc chia sẻ thông tin trong hoạt động đầu tư đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đầu tư vì nhiều ngày càng quỹ đầu tư hưu trí của Australia quan tâm tới các khoản đầu tư liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm các danh mục đầu tư liên quan đến các lĩnh vực không bền vững và tác động tiêu cực tới môi trường.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Australia bên lề tọa đàm, ông Nicholas Moore, đặc phái viên Chính phủ Australia về Đông Nam Á lạc quan khi cho rằng: “tương lai hợp tác giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và Australia rất tươi sáng. Australia có thị trường tài chính vững mạnh. Chúng tôi có nguồn vốn từ các quỹ hưu trí lên tới hơn 3.000 tỷ AUD và có thể tăng tới 9.000 tỷ AUD vào năm 2040”. Ông Moore cho biết, Australia có khung pháp lý mạnh mẽ về việc sử dụng số vốn này và “chính phủ Australia muốn thúc đẩy quan hệ thương mại với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vì thế rất lạc quan về tương lai của mối quan hệ giữa hai nước trên cơ sở của sự vững mạnh và tương lai của nền kinh tế Việt Nam”. Trong chiến lược kinh tế Đông Nam Á, Australia xác định “Việt Nam có nhiều tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng cao và Australia muốn là đối tác đóng góp vào sự tăng trưởng của Việt Nam thông qua sự gia tăng kim ngạch thương mại 2 chiều và hoạt động đầu tư giữa hai nước”.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu cũng dành thời gian trao đổi các vấn đề quan tâm của các nhà đầu tư đối với tài chính xanh và trái phiếu xanh.
Chia sẻ kinh nghiệm giữa hai cơ quan thuế
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ Tài chính, sáng nay, đoàn công tác của Tổng cục Thuế do Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành làm Trưởng đoàn đã có cuộc họp song phương với Cơ quan thuế Australia. Bà Kirsten Fish, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Xây dựng và Thực thi Pháp luật của Cơ quan Thuế Australia chủ trì tiếp Đoàn. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cơ quan Thuế Australia.
Tại cuộc họp, Tổng cục Thuế Việt Nam và Cơ quan Thuế Australia đã trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình, cơ cấu tổ chức từ cấp Chính phủ đến địa phương; Mô hình tổ chức, kinh nghiệm quản lý phân loại đối tượng, tập trung quản lý rủi ro… Chia nhóm đối tượng để phân bổ nguồn nhân lực có kinh nghiệm hỗ trợ và quản lý người nộp thuế lớn, rủi ro cao; Chức năng nhiệm vụ của các bộ phận thuộc Cơ quan Thuế Australia, các điểm mạnh điểm yếu của mô hình tổ chức hiện tại; Công tác bồi dưỡng, đào tạo cho công chức mới, luân chuyển, điều động.
Không chỉ dừng lại ở cuộc gặp ngày hôm nay, bà Kirsten Fish bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm để ngành Thuế hai nước ngày càng phát triển. Trong thời gian tới, Cơ quan thuế Australia và Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế tại Việt Nam, đây được coi là một trong những hoạt động đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương giữa hai bên. Đồng thời, Cơ quan Thuế Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ chặt chẽ và chia sẻ các kinh nghiệm với Cơ quan thuế Việt Nam trong lĩnh vực quản lý thuế.
Nguồn: Vov.vn