Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững

“Hiện sự cố môi trường tại một số vùng ven biển của nước ta còn diễn ra nghiêm trọng; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững…”. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển. Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu tạo lập cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển, góp phần hình thành, phát triển các ngành kinh tế biển vững mạnh.

“Để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển để xây dựng Việt Nam thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn” đòi hỏi cần phải có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới, trong đó xây dựng kinh tế biển xanh được coi là nền tảng”, ông Phan Xuân Thủy nói.

kinh te bien xanh tao dong luc phat trien ben vung hinh anh 1
Ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Các đại biểu và nhà khoa học đều nhận định, thời gian qua nước ta có tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, hiện phát triển kinh tế biển hiện chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Biểu hiện cụ thể ở tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường tại một số vùng ven biển còn diễn ra nghiêm trọng; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững…

Do đó, phát triển kinh tế biển xanh là yêu cầu đặt ra để phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, thời gian tới cần có các giải pháp căn cơ, trọng tâm, trọng điểm, trong đó vừa chú trọng vào các hoạt động kinh tế vừa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững. Các ý kiến cho rằng, cần xây dựng định hướng phát triển kinh tế biển thông qua việc kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới. Khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh, nâng cao năng lực nghiên cứu, chất lượng các công trình khoa học về lĩnh vực biển, đảo, đề xuất các phương pháp hỗ trợ triển khai kinh tế biển xanh để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển tại Việt Nam…

kinh te bien xanh tao dong luc phat trien ben vung hinh anh 2
Toàn cảnh hội thảo

“Để phát triển kinh tế biển xanh, bền vững được trước mắt phải quan tâm về chính sách. Muốn quy hoạch biển thì phải có ranh giới và ranh giới biển bây giờ rất khó xác định các hệ thống đường cơ sở. Hiện chúng ta đang chuẩn bị đề xuất với Chính phủ thông qua khu Vịnh Bắc Bộ, vì thế cần phải điều chỉnh đảm bảo được quốc phòng, an ninh, đảm bảo được lợi ích của đất nước, nhưng mà cũng phải tuân thủ tốt nhất các quy định về quốc tế mà chúng ta là thành viên. Phải đẩy mạnh thực hiện thượng tôn pháp luật”, Đại tá Nguyễn Khắc Vượt, Trưởng phòng Khoa học quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nêu ý kiến.

Các ý kiến tại hội thảo hôm nay sẽ được Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan chắt lọc kết quả nghiên cứu, công bố, phổ biến tới các cơ quan, đơn vị làm công tác biển, đảo trong cả nước. Qua đó, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh để phát triển bền vững.

Nguồn: Vov.vn