Tiến sĩ Công Phạm khẳng định: Việt Nam đã phát triển rất nhanh từ một nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, đó là sự ra đời của các công ty tư nhân và các công ty khởi nghiệp.
Giảng viên cấp cao chuyên ngành kinh tế tại Đại học Deakin (Australia), Tiến sĩ Công Phạm khẳng định, Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 và hiện đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương với nhiều quốc gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Công Phạm nhấn mạnh các FTA đã ký kết đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế toàn cầu với luật chơi cạnh tranh gắt gao, đồng thời thúc đẩy Việt Nam áp dụng những hành vi cạnh tranh tự do. Theo ông, một điểm nữa thể hiện Việt Nam đã phát triển rất nhanh từ một nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, đó là sự ra đời của các công ty tư nhân và các công ty khởi nghiệp.
Tiến sĩ Công Phạm cũng đề cập đến 6 yếu tố thể hiện Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó lĩnh vực kinh tế tư nhân tăng trưởng nhanh chóng và nay chiếm gần 45% tỷ trọng của GDP, đóng góp 1/3 ngân sách nhà nước, 40% vốn đầu tư và sử dụng 85% lao động của cả nước; Việt Nam đã cải cách luật đầu tư nước ngoài và phát triển một môi trường cạnh tranh thị trường trong các lĩnh vực. Đồng thời, luật pháp cũng phát triển để hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tư nhân; thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển nhanh với mức vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng đáng kể qua thời gian.
Nguồn: Vov.vn