Thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản (IUU), thời gian gần đây, tỉnh Bến Tre đã tích cực thực hiện công tác này. Tuy nhiên, có những thời điểm, địa phương còn xảy ra tình trạng ngư dân chủ quan, vi phạm quy định IUU cần phải chấn chỉnh, góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng của EC.
Bến Tre hiện có đoàn tàu đánh bắt hải sản lớn ở vùng ĐBSCL với hơn 3.000 phương tiện; trong đó có khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ. Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy ý thức trách nhiệm, tính chủ động trong công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Các cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; cùng cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu trong năm nay.
Đặc biệt, tại các xã trọng điểm về tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, đã triển khai sàng lọc tàu có nguy cơ cao và phân công cán bộ, đảng viên ở địa phương phụ trách đến từng chủ tàu. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác chống khai thác IUU tại từng cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp.
Đến nay, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; ban hành chính sách hỗ trợ chủ tàu, đồng thời ký kết các Quy chế phối hợp giữa 8 tỉnh khu vực phía Nam (gồm Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang, Bình Thuận) Quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, 4 trong quản lý tàu cá và chống khai thác IUU, đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả.
Từ đầu năm nay, Ban Chỉ đạo 689 tỉnh Bến Tre đã xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU với 6 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phân công từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, quy định thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành, trong đó tập trung thực hiện các khuyến nghị, các tồn tại hạn chế mà Đoàn thanh tra EC kiểm tra lần thứ tư đánh giá để chuẩn bị cho đợt kiểm tra lần thứ năm đạt yêu cầu, nhất là tập trung quyết liệt thực hiện hoàn thành trong tháng 9/2024.
Đến thời điểm này, tổng số tàu cá của Bến Tre đăng ký là 3.026 tàu; trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên 2.034 tàu.Về đăng kiểm đã đạt 87,82%, trong đó tàu chưa đăng kiểm 289 tàu. Tổng số tàu được cấp giấy phép đạt 80,37%, trong đó tàu chưa được cấp lại giấy phép 594 tàu. Hiện tỉnh Bến Tre có 1.117 tàu thuộc diện “3 không” (không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác). Đây là mặt tồn tại mà Bến Tre đang quan tâm giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: “Tàu cá thuộc diện “3 không” hiện nay đã được đăng ký cấp phép là 263 tàu đạt gần 25% (tàu dưới 12 m). Công tác đăng ký tàu cá này cũng gặp nhiều khó khăn do yêu cầu nghiêm ngặt về đăng kiểm như hồ sơ, kỹ thuật, xác định máy chính, đưa tàu lên ụ để kiểm tra… UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đối thoại, tuyên truyền, hợp tác các bên liên quan để thực hiện, tuy nhiên hiện này còn vướng về sử dụng máy bộ được thủy hóa làm máy chính”.
Để phòng chống IUU, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo cơ quan Biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu xuất, nhập bến, các cảng cá kiểm soát chặt chẽ tàu cập cảng, rời cảng kiên quyết không cho xuất bến, nhập bến, cập cảng, rời cảng đối với các tàu không có đủ giấy tờ, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Ngoài ra, tỉnh thường xuyên cập nhật danh sách các tàu không đủ điều kiện hoạt động gửi lực lượng kiểm soát của các tỉnh trong khu vực, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 và 4 đề nghị hỗ trợ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nếu phát hiện tàu hoạt động.
Từ năm 2022, tỉnh Bến Tre thực hiện giải pháp phân công cán bộ, đảng viên cơ sở phụ trách trực tiếp chủ tàu cá thuộc diện nguy cơ cao, thực hiện tuyên tuyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ chủ tàu cá thực hiện theo dõi, kiểm soát tàu cá hoạt động khai thác trên biển qua thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu. Kết quả đến nay, có 36 xã phân công 237 cán bộ, đảng viên phụ trách trực tiếp 356 chủ tàu (506 tàu) thuộc diện nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể tại thị trấn Tiệm Tôm,(huyện Ba Tri) phân công 71 cán bộ, đảng viên phụ trách trực tiếp 166 chủ tàu (218 tàu); xã An Hòa Tây (huyện Ba Tri) phân công 32 cán bộ, đảng viên phụ trách trực tiếp 32 chủ tàu (46 tàu); xã Bình Thắng, huyện Bình Đại phân công 14 cán bộ, đảng viên phụ trách trực tiếp 26 chủ tàu (81 tàu).
“Việc phân công cán bộ, đảng viên theo dõi từng con tàu, trong qua trình phối hợp với các đơn vị thực hiện rất tốt. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn huyện Bình Đại đối với việc đăng ký tàu “3 không” chỉ đăng ký được khoảng 20% thôi. Số lượng đăng ký rất hạn chế bởi lý do các tàu này rất nhỏ mà chủ yếu cạp đầu sò ở kênh rạch hoặc đầu Vàm thôi, tháng 9 này nếu tàu nào không đăng ký sẽ bị hủy” – ông Huỳnh Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại nói.
Về khó khăn, bất cập này, tỉnh thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các địa phương cập nhật danh sách tàu cá nguy cơ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ phụ trách hoàn thành nhiệm vụ được phân công; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra trực tiếp công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ phụ trách trên địa bàn.
Tuy nhiên tình trạng vi phạm các quy định về đánh bắt hải sản đối với tàu cá của tỉnh Bến Tre vẫn còn xảy ra. Hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh đang xác minh, xử lý 5 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; 1 tàu cá vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển; 74 tàu mất kết nối VMS trên 6 tháng; 8 tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển không đưa tàu vào bờ.
Tỉnh Bến Tre đã thành lập Đoàn kiểm tra, xác minh, đã làm việc trực tiếp với các chủ tàu. Qua xác minh, xác định 1 tàu vi phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 25 triệu đồng; các trường hợp còn lại không vi phạm.
Hiện nay, đoàn tàu đánh cá của tỉnh Bến Tre đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thuộc diện bắt buộc, đạt 98,62%, trong đó tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát là 28 tàu. Các địa phương tổ chức trực ban giám sát tàu cá nghiêm túc, kể cả ngày nghỉ lễ. Dữ liệu tàu cá mất kết nối đều được xử lý hàng ngày qua nhóm trực tuyến; ngoài ra trực ban giám sát tàu cá cập nhật nghiêm túc dữ liệu tàu cá mất kết nối và kết quả xử lý theo yêu cầu của Cục Thủy sản.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý đã ban hành 10 quyết định/11 tàu vi phạm mất tín hiệu giám sát trên 10 ngày, số tiền phạt 307,5 triệu đồng, xử lý 4 tàu vượt ranh giới với tổng số tiền phạt 153 triệu đồng.
Công tác truy xuất thủy sản khai thác điện tử (eCDT), xác nhận tàu cập cảng, rời cảng bằng điện tử rất được địa phương quan tâm, tuy nhiên, tiến độ còn chậm. Việc sắp xếp, lưu trữ hồ sơ liên quan đến các hoạt động chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh được các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc đúng quy định, đảm bảo khoa học, đầy đủ, dễ dàng truy xuất nhanh chóng phục công tác kiểm tra. Từ đầu năm 2024 đến nay, không có tàu cá Bến Tre bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; chỉ có xử phạt 2 vụ/4 tàu vi phạm mà UBND tỉnh ra quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng.
Riêng 2 trường hợp còn lại cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh, đang củng cố hồ sơ, chứng cứ để tham mưu xử phạt theo quy định, trước khi Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu trở lại Việt Nam kiểm tra lần thứ 5.
Bên cạnh những mặt đạt được thì công tác phòng chống IUU của tỉnh Bến Tre cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, xuất hiện những “lổ hỏng” cần sớm khắc phục. Đó là tình trạng tàu mất tín hiệu giám sát hành vẫn còn xảy ra tương đối nhiều. Tàu cá “3 không” có chiều dài Lmax dưới 15 mét hoạt động vùng ven bờ với số lượng khá lớn, một bộ phận ngư dân còn tư duy không muốn chuyển đổi nghề đúng theo quy định; thủ tục đăng kiểm đối với tàu từ trên 12 mét chưa được hướng dẫn cụ thể nên khó khăn trong quá trình thực hiện.
Mới đây, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống IUU và Bộ Nông nghiệp-PTNT đã đến kiểm tra công tác này tại Bến Tre và phát hiện và chỉ ra nhiều mặt hạn chế để Bến Tre cần sớm khắc phục.
Thứ trưởng Bộ Nông pghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống IUU yêu cầu: “Thứ nhất là việc quản lý đoàn tàu, giám sát đoàn tàu phải cụ thể, ở tỉnh các anh không nắm được thì huyện phải nắm được, muốn làm gì thì làm số tàu phải nắm. Công tác đăng ký, đăng kiểm mới chỉ đạt mới hơn 87,7 %, vậy thì tàu còn lại nằm ở thôn, xã nào. Tàu mất tín hiệu 3 tháng, 6 tháng, 1 năm phải rà soát lại hết, đấy là các tàu có nguy cơ cao. Tôi hôm nay đề nghị những tàu nào đi đâu, ở đồn nào mà không đủ điều kiện cấp hết cho Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, chứ không cho ra khơi”.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, công tác thực hiện các quy định IUU ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, không ít tàu cá đăng ký trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhưng hoạt động đánh bắt, về bến lên cá ở ngoài tỉnh có số lượng khá lớn, tập trung chủ yếu ở Sông Đốc tỉnh Cà Mau, rất khó trong công tác quản lý. Nhiều tàu trong thời gian dài không trở về Bến Tre, cơ quan quản lý rất khó tiếp cận chủ tàu, nhất là thuyền trưởng là người trực tiếp vi phạm.
Về chủ quan là ý thức của một bộ phận chủ tàu, thuyền trưởng trong chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản chưa tốt, tuy đã nhận thức được hậu quả của khai thác IUU, cảnh báo thẻ vàng của EC, nhưng vì lợi nhuận trước mắt cố tình khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhiều phương tiện đánh bắt nghề truyền thống như cào đơn gần bờ, phương tiện nhỏ, động cơ chưa đồng bộ… rất khó xử lý.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết sẽ khắc phục khó khăn, chỉ đạo của đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống IUU để chấn chỉnh những mặt yếu kém tồn tại: “Qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy Bến Tre làm chưa tốt, cần phải tập trung nhiều hơn. Về gốc độ UBND tỉnh tôi xin nhận thiếu sót điều này, tiếp thu và sẽ chỉ đạo trong thời gian tới. Trong đó đối với tàu “3 không” một số bà con làm nghề không được phép đăng ký nếu như bà con không có đủ điều kiện chuyển đổi nghề thì chắc chắn không được đăng ký, buộc phải gỡ bảng”.
Những bất cập, tồn tại đó với sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành, tỉnh Bến Tre sẽ sớm tháo gỡ các khó khăn, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, khắc phục các hạn chế thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ để chuẩn bị tiếp đón đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu trong thời gian tới.
Nguồn: Vov.vn