Chiến đấu anh dũng trên chiến trường, mang trong mình nhiều vết thương do chiến tranh để lại nhưng khi về với cuộc sống đời thường, những người lính Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục vượt khó trên mặt trận sản xuất, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau.
Được sự giới thiệu của Hội CCB (Cựu chiến binh) huyện Long Phú, chúng tôi đến ấp Sóc Mới, xã Long Phú để gặp thương binh Sơn Lộc. Trong những ngày tháng 7 đầy bận rộn với công việc đồng áng, nhưng ông Lộc vẫn dành thời gian chia sẻ về thời gian đầy tâm huyết cho sự nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu của gia đình.
Năm 21 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Trong một trận đánh, ông bị thương cả thân bên trái, ảnh hưởng đến mắt và tai. Đến nay vết thương ấy vẫn còn gây đau nhức cơ thể. Năm 1987, ông phục viên về quê và lập gia đình với thương binh hạng 4/4.
Hồi tưởng lại thời gian đầu lập nghiệp, ông Lộc bộc bạch: “Lập gia đình xong, tôi trồng lúa 5 công. Ngoài ra, tranh thủ đất bờ kênh để trồng rau màu và mua thêm heo nái về nuôi nhân giống. Sau khi heo nái đẻ heo con để lại nuôi hết, kết hợp trồng màu, tích lũy được bao nhiêu là đầu tư sang đất ruộng để mở rộng sản xuất. Tôi mua được khoảng 15 công, sau đó, kinh tế khá rồi thì xây thêm nhà tươm tất”.
Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, từ nghị lực vươn lên không biết mệt mỏi đã giúp gia đình ông Sơn Lộc dần dần khấm khá lên từ lúc đó. Đến nay, gia đình ông trở thành điểm sáng cho các cựu chiến binh nói riêng và người dân địa phương nói chung học tập, noi theo.
“Gia đình ông Lộc, hai vợ chồng nỗ lực làm ăn từ chăn nuôi đến trồng trọt, cố gắng lao động sản xuất, tiết kiệm, dành dụm, đến hiện nay đã xây dựng được căn nhà khang trang. Gia đình ông cũng là một trong những hộ gương mẫu trong chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, trong nuôi dạy con cháu biết nỗ lực trong học tập và lao động”, ông Kim Chí Thiện, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Phú, huyện Long Phú nhận xét.
Hiện gia đình ông Lộc đang thực hiện mô hình chăn nuôi với 4 con heo nái và trên 30 heo con, mỗi đợt bán ông thu về từ hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nuôi nhiều con bò sinh sản và sản xuất lúa với diện tích 40 công đất, trong đó, 20 công là đất của gia đình, 20 công còn lại ông thuê của bà con xung quanh. Căn nhà cũng đã xây dựng khang trang và sắm thêm máy cày, máy xới, làm luôn dịch vụ nông nghiệp. Ông Lộc bây giờ đã trở thành gương cựu chiến binh sản xuất – kinh doanh giỏi cấp tỉnh với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Chiến tranh đã đi qua hơn nhiều thập kỷ nhưng đến nay những di chứng vẫn hiện hữu trong cơ thể các thương, bệnh binh, dày vò họ hàng ngày, hàng giờ. Tuy vậy, họ vẫn luôn nỗ lực trong cuộc sống để chứng minh một điều: thương binh “tàn nhưng không phế”.
Điển hình như ông Đinh Ly cùng ngụ xã Long Phú là thương binh hạng 4/4. Ông rời quân ngũ trở về quê hương với vết thương ở chân phải. Đó là thời điểm khó khăn nhất đối với ông khi vừa phải thường xuyên đi điều trị bệnh, vừa phải lo toan cho cuộc sống gia đình. Ông Ly cho biết, mới lập gia đình rất vất vả, bởi không có đất sản xuất, kính tế phụ thuộc từ công việc làm thuê kiếm sống, vợ thì chạy xe ôm.
Thế nhưng, với ý chí của người lính kiên cường, hai vợ chồng không từ bỏ mà tiếp tục nỗ lực vươn lên. Gia đình ông được Hội Cựu chiến binh xã xét hỗ trợ cho vay 15 triệu đồng để nuôi heo, bò. Đồng thời, tranh thủ thời gian làm thuê, chạy xe ôm, ngoài ra, tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà để trồng rau bán tăng thu nhập. Tiền tích luỹ được bao nhiêu gia đình vừa trả ngân hàng vừa tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Nhìn ngôi nhà tường vững chắc trị giá vài trăm triệu đồng, ông Ly tâm sự, những năm trước, nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình cũng dành dụm được một phần chi phí mà xây được mái ấm vững chắc như bây giờ. Ông còn được hỗ trợ thêm nguồn vốn vay 35 triệu để phát triển sản xuất đảm bảo bền vững và ổn định.
“Tôi lập gia đình, do hai bên đều khó khăn nên cũng không có chia cho được gì. 2 vợ chồng chỉ biết là nỗ lực vươn lên. Đến năm 2000, CCB địa phương có hỗ trợ vay tiền chăn nuôi, lúc đó, tôi mua bò về nuôi. Chăm sóc thì mô hình cũng phát triển tốt, sau đó mình bán lấy tiền đầu tư mua thêm gà, vịt về nuôi, cứ như vậy mình nỗ lực để vươn lên”, ông Đinh Ly kể lại.
Với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, những người lính năm xưa đã trở thành những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, chung sức xây dựng quê hương, làm đẹp thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ.
“Đối với 2 hội viên CCB, đồng thời là thương binh, ông Đinh Ly và Sơn Lộc trong thời gian qua được hội giới thiệu ngân hàng chính sách vay vốn đầu tư sản xuất, tạo việc làm. Từ nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Một phần là do tính gương mẫu trong chí thú làm ăn, tích cực tăng gia sản xuất trong gia đình, từng bước cuộc sống được cải thiện. Từ hộ nghèo đến nay các gia đình Đinh Ly, Sơn Lộc đã vươn lên có cuộc sống ổn định”, ông Thạch Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Long Phú cho biết.
Có thể nói, chiến công của những người con ưu tú năm xưa và thành tích của những tấm gương tiêu biểu hôm nay thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo.
Nguồn: Vov.vn