Bà Patricia Yolanda Rasez, Đại sứ Peru tại Việt Nam: Một trong những mục tiêu chính của tôi trong nhiệm kỳ là thúc đẩy mở rộng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Peru.
Đại sứ Peru tại Việt Nam, bà Patricia Yolanda Rasez Portocarrero, cho biết: một trong những mục tiêu chính trong nhiệm kỳ của mình là thúc đẩy mở rộng thương mại và đầu tư giữa hai nước Peru và Việt Nam. Dưới đây là những chia sẻ của bà Đại sứ khi trả lời phỏng vấn của Báo điện tử VOV.
PV: Thưa Đại sứ, xin bà cho biết về vị trí của Việt Nam như thế nào trong chính sách hợp tác của Peru với khu vực châu Á?
Đại sứ Peru: Cũng giống như Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Peru trong khu vực Mỹ Latinh, Peru cũng đáp lại tình cảm này và đặc biệt quan tâm phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam. Điều này càng trở nên đặc biệt trong bối cảnh Peru vừa trở thành “đối tác phát triển” của ASEAN vào đầu năm 2024.
Hai nước đã có sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực: chính trị- ngoại giao, kinh tế- thương mại, văn hoá… 30 năm qua là cả một quá trình hướng tới việc thiết lập mối quan hệ cùng có lợi giữa hai nước.
Chúng ta có những hợp tác thường xuyên ví dụ như Cơ chế tham vấn chính trị giữa Peru và Việt Nam ở cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, hai bên họp định kỳ để đánh giá tổng thể mối quan hệ song phương. Ngoài ra còn có hoạt động của Ủy ban liên chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật cũng ở cấp thứ trưởng, tập trung vào lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Trong mấy năm gần đây hai bên đã có những cuộc gặp song phương ở cấp cao nhất. Có thể kể ra đây cuộc gặp giữa Tổng thống Peru và Chủ tịch nước Việt Nam vào tháng 11/2023 tại San Francisco, Hoa Kỳ, bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC, cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao hai nước vào tháng 5 năm 2024, trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD ở Paris. Năm 2024, Peru sẽ đăng cai tổ chức hội nghị APEC nên chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều lãnh đạo và doanh nhân quan trọng của Việt Nam đến Peru.
Ngoài ra, Peru và Việt Nam đều là thành viên của CPTPP nên chúng tôi kỳ vọng trao đổi thương mại hai bên sẽ tiếp tục tăng trưởng (năm 2023 đã đạt hơn 700 triệu USD), đặc biệt là xuất khẩu của Peru sang Việt Nam sẽ tăng, để đạt được cán cân thương mại song phương.
Có thể thấy, sự trao đổi, đối thoại ở cấp độ chính trị, kinh tế – thương mại diễn ra rất năng động. Peru hiện là đối tác thương mại thứ sáu của Việt Nam ở Mỹ Latinh và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ này.
Trong lĩnh vực văn hóa, Đại sứ quán Peru tại Việt Nam hàng năm tiến hành nhiều hoạt động nhằm giới thiệu lịch sử và văn hóa của Peru đến gần hơn với người dân Việt Nam.
PV: Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Peru (14/11/1994-14/11/2024), xin bà cho biết Đại sứ quán Peru tại Việt Nam có những hoạt động cụ thể nào?
Đại sứ Peru: Để tăng cường sự hiện diện kinh tế, thương mại của Peru tại Việt Nam, cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp và nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 5 vừa qua chúng tôi đã có phái đoàn thương mại đầu tiên gồm các doanh nhân Peru tới Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi sẽ sớm mời một đoàn đại biểu của Cơ quan- Y tế Nông nghiệp quốc gia Peru đến thăm Việt Nam để làm việc với các đối tác địa phương nhằm đạt được sự cho phép tiếp cận thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp của Peru.
Tương tự như vậy, trong năm 2024, chúng tôi dự định tổ chức cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật ở cấp Thứ trưởng. Vào tháng 11, chúng tôi hy vọng Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tới Peru để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC.
Trong lĩnh vực văn hóa, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao, từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 7, chúng tôi tổ chức triển lãm ảnh về Khu bảo tồn thiên nhiên Peru tại Phòng trưng bày 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Vào tháng 10, chúng tôi sẽ tổ chức buổi hòa nhạc Quechua Pop (Q-Pop) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
PV: Được biết bà mới sang Việt Nam từ đầu tháng 5 để bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ. Bà có thể cho biết vài cảm nhận về đất nước và con người Việt Nam?
Đại sứ Peru: Đây là lần đầu tiên tôi đến Đông Nam Á và tôi rất ấn tượng trước sự phát triển kinh tế- xã hội mà Việt Nam đã đạt được và tiếp tục có xu hướng đi lên. Tôi cũng rất thích sự nồng hậu và cần cù của người dân, thích các món ăn và sự đa dạng của ẩm thực Việt. Kể từ khi sang Việt Nam, tôi đã có dịp thăm một số địa điểm có bề dày lịch sử như Huế, Hội An, khám phá Hà Nội và tận hưởng những cảnh quan hùng vĩ như Vịnh Hạ Long.
Với tư cách là Đại sứ Peru, tôi cảm thấy may mắn khi được khám phá và tìm hiểu về đất nước, lịch sử và văn hóa của đất nước các bạn. Tôi thích đồ ăn Việt Nam, đặc biệt thích một số món như: cà phê trứng, nem cuốn, bánh mì, bánh chuối chiên. Cà phê trứng thực sự là một loại đồ uống độc đáo và quyến rũ với lớp bọt kem béo ngậy phủ trên lớp cà phê thơm đậm đà. Ở Peru, chúng tôi chủ yếu uống cà phê Arabica, loại cà phê có hương vị chua thanh nhẹ nhàng. Cũng bởi Arabica là loại cà phê được trồng chủ yếu ở Peru. Nhưng ở Việt Nam, mọi người thực sự thích loại cà phê đậm đà chế biến từ hạt Robusta. Và cà phê trứng của Việt Nam là một ví dụ điển hình cho điều này. Khi bạn ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ trên hè phố và nhâm nhi ly cà phê béo ngậy phủ kem trứng, bạn sẽ thực sự cảm nhận được hương vị văn hóa cà phê đặc trưng của Việt Nam.
Trong thời gian ở Việt Nam, tôi dự định sẽ khám phá thêm về ẩm thực vô cùng đa dạng và bổ dưỡng ở đây. Cả ẩm thực Peru và Việt Nam đều được công nhận là những nền ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới, cung cấp nhiều món ăn mang tính biểu tượng, làm hài lòng thực khách với hương vị đặc biệt.
PV: Dự định của bà trên cương vị Đại sứ ở Việt Nam sẽ tập trung vào những mục tiêu nào?
Đại sứ Peru: Một trong những mục tiêu chính của tôi là thúc đẩy mở rộng thương mại và đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu của Peru sang Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi mong muốn có được sự phê duyệt và thỏa thuận nhanh chóng hơn nữa để mở rộng hơn nữa thị trường nông sản từ cả hai nước. Với việc khánh thành Chancay Megaport ở Peru vào tháng 11 này, thời gian vận tải hàng hải giữa Peru và Việt Nam sẽ rút ngắn từ 40 ngày xuống còn 25 ngày. Đây là cơ hội giúp tăng cường năng lực và hiệu quả trao đổi hàng hóa cũng như mở ra cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ logistic.
Đầu tư cũng là lĩnh vực mà cả hai nước còn nhiều tiềm năng. Hiện Peru là quốc gia Mỹ Latinh mà Việt Nam có những dự án đầu tư quan trọng nhất là Viettel và PetroVietnam, tuy nhiên vẫn còn nhiều dư địa cho các công ty sản xuất, dịch vụ của Việt Nam đầu tư, tận dụng các điều kiện cạnh tranh mà cả hai nước đều có khi cùng là thành viên của CPTPP và có mức thuế bằng 0 đối với nhiều sản phẩm khác nhau và có Cảng Chancay, một lối đi lý tưởng đến các quốc gia khác của châu Mỹ.
Ngoài ra, chúng tôi dự định duy trì một cách thường xuyên và hiệu quả các tiến trình hợp tác song phương, chẳng hạn như Ủy ban Kinh tế Liên Chính phủ và Cơ chế đối thoại chính trị Peru-Việt Nam ở cấp Thứ trưởng.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ và xin kính chúc bà có một nhiệm kỳ thành công rực rỡ ở Việt Nam!
Nguồn: Vov.vn