Từ ngày 1/7, lương cơ sở của công chức, viên chức tăng 30%. Tuy nhiên, chưa kịp mừng vì được tăng lương, người lao động lại phải đối diện với nhiều nỗi lo, ngoài giá cả hàng hóa, dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ biến động theo lương thì những bất cập của thuế thu nhập cá nhân tiếp tục là nỗi ám ảnh.
“Còng lưng” gánh thuế
Từ ngày 1/7, tiền lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tương đương 30%) cho tất cả cán bộ, công chức. Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023.
Mức lương của công chức, viên chức bằng lương cơ sở nhân với hệ số lương. Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, mức lương cao nhất đối với chuyên gia cao cấp gồm 3 bậc lương với hệ số lần lượt: 8,8; 9,4 và 10.
Sau khi tăng lương, tổng mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 lên tới 23,4 triệu đồng/tháng. Nếu không có người phụ thuộc, mỗi chuyên gia cao cấp phải đóng thuế mức 10% (sau khi giảm trừ cho người nộp thuế mức 11 triệu đồng/người/tháng).
Vị trí viên chức loại A3 với 6 bậc lương, tương ứng số tiền lương nhận được từ 14,5 – 18,7 triệu đồng/người/tháng. Với khoản lương này, nếu không có người phụ thuộc, mỗi cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 5% (sau khi giảm trừ cho người nộp thuế mức 11 triệu đồng/người/tháng).
Ngoài 2 vị trí có mức lương cao nhất ở trên, sau khi tăng lương, công chức, viên chức có tổng lương nhận được vượt mức 11 triệu đồng/tháng sẽ bắt đầu đóng thuế thu nhập cá nhân hàng tháng.
Tuy nhiên, chưa kịp mừng vì được tăng lương, người lao động lại phải đối diện với nhiều nỗi lo, ngoài giá cả hàng hóa, dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ biến động theo lương thì những bất cập của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tiếp tục là nỗi ám ảnh.
Chị Vũ Thu Trang, nhân viên đơn vị sự nghiệp công lập tại Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, mức lương hiện nay của chị là hơn 11 triệu đồng/tháng. Từ 1/7, tăng lương 30%, lương chị sẽ nhận được khoảng hơn 14 triệu đồng/tháng. Chị Trang nhẩm tính, sau khi tăng lương, hàng tháng chị phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cho người nộp thuế 11 triệu đồng/người/tháng và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người/tháng quá lạc hậu.
“Tôi sinh sống ở Hà Nội, mọi chi phí sinh hoạt đều cao, mức giảm trừ này không đủ trang trải cho cuộc sống. Nay vừa tăng lương lại phải lo nộp thuế thu nhập cá nhân thì thật sự rất bất cập”, chị Trang than thở.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Thủy (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, với mức thu nhập 21 triệu đồng/tháng, có hai con nhỏ, hàng tháng chị phải hết sức tiết kiệm mới đủ trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền bỉm sữa, tiền học chính khóa, học thêm tiếng Anh,… cho cả gia đình vì chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
“Chi phí sinh hoạt không ngừng tăng lên. Một bó rau ở chợ cũng tăng gấp rưỡi trong 3 năm qua. Các mặt hàng khác cũng đều tăng giá mỗi ngày. Dù tiết kiệm hết mức nhưng hàng tháng tôi cũng không có dư. Sau khi giảm trừ cho bản thân và hai con, tôi vẫn phải đóng thuế TNCN. Như vậy là quá bất hợp lý”, chị Thủy lo lắng.
Cùng cảnh è cổ “gánh thuế”, anh Lê Hoài Nam (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, cả 2 vợ chồng anh đều làm công ăn lương. Gia đình anh có 2 con nhỏ trong độ tuổi tiểu học. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc hiện nay là 4,4 triệu đồng/người/tháng, thậm chí chưa đủ đóng học phí cho con.
“Con thứ 2 của tôi đang học mầm non nhưng nhà trường quá tải, không đăng ký cho con học trường công được nên đành phải cho con học trường tư thục với mức học phí gần 6 triệu đồng/tháng. Như vậy, riêng tiền học phí đã cao hơn mức giảm trừ cho người phụ thuộc, chưa kể còn ăn uống, bỉm sữa, thuốc men, quần áo… nhưng đâu ai tính cho khoản này, vẫn cứ áp mức 4,4 triệu đồng/người/tháng”, anh Nam bày tỏ.
Số thu thuế TNCN không ngừng tăng qua các năm
Trong khi người dân đang phải “còng lưng” gánh thuế thì số thu thuế TNCN lại khiến nhiều người bất ngờ. Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu thuế TNCN trong quý 1 năm nay đạt mức 53.155 tỷ đồng, bằng 33,4% so với dự toán. Đáng chú ý, số thu từ thuế TNCN cao gấp 3,3 lần so với thu từ dầu thô; cao gần bằng khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Thuế TNCN có hiệu lực năm 2007 và lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2014 với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc. Trong 10 năm qua, số thu thuế TNCN đã tăng gấp 3,6 lần. Số lượng người nộp thuế TNCN không ngừng tăng qua các năm.
Theo các chuyên gia, nhìn số thu thuế TNCN trong những năm gần đây có thể thấy có đóng góp rất lớn từ những người làm công ăn lương. Tổng số thu từ thuế TNCN vẫn quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước cho thấy người làm công ăn lương đang… “gắng gượng đến kiệt sức”.
Phải đến năm 2026 mới có sự thay đổi?
Chưa bao giờ vấn đề sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân lại được quan tâm và trở nên cấp bách như hiện nay, nhất là tại các phiên thảo luận của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, thế nhưng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ này chưa trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh Luật Thuế thu nhập cá nhân với lý do: mức giảm trừ với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng đang cao hơn thu nhập bình quân 2,2 lần (4,96 triệu đồng/người/tháng), trong khi tỷ lệ này ở các nước là dưới 1 lần. Ngoài ra, từ 2020 đến nay CPI chỉ tăng khoảng 11,74%, thấp hơn điều kiện để điều chỉnh thuế.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) vào chương trình xây dựng pháp luật tháng 10/2025, và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026.
“Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp. Có nên đưa ra quy định CPI phải trên 20% hay không thì lúc đó chúng ta sẽ bàn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Như vậy, đến giữa năm 2026, Luật Thuế thu nhập cá nhân với các điều chỉnh (nếu có) về mức giảm trừ gia cảnh, cách tính thu nhập chịu thuế và cách phân chia bậc thuế… mới được ban hành. Và để Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) có thể đi vào cuộc sống, người nộp thuế sẽ phải chờ Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, theo đó, nếu đúng lộ trình người nộp thuế sẽ vẫn phải tiếp tục tình trạng “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân gần 3 năm nữa.
Bài viết cùng loạt bài: “Bất cập thuế thu nhập cá nhân”
Bài 1: Thuế thu nhập cá nhân: Người làm công ăn lương đang “gắng gượng đến kiệt sức”
Bài 2: Điều chỉnh để người dân không quá khổ vì thuế
Nguồn: Vov.vn