Sáng nay (9/7), Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024 được tổ chức tại TP.HCM, với sự tham dự của hơn 300 đại biểu là đại diện các bộ ngành liên quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số tỉnh thành, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp…
Sáng nay (9/7), tại TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam và trường Đại học Nguyễn Tất Thành, lần đầu tiên tổ chức “Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024” (gọi tắt là Diễn đàn PBCF).
Trong lần đầu tiên được tổ chức này, Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh tập trung phân tích, đánh giá doanh nghiệp ở TP.HCM và một số tỉnh. Từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế địa phương.
Cách tiếp cận của báo cáo Diễn đàn PBCF là liên ngành, liên thời gian và dựa vào dữ liệu, thông tin thu thập được từ những nguồn đáng tin cậy. Ngoài dữ liệu thứ cấp, Ban tổ chức khảo sát số liệu các doanh nghiệp, thu thập thông tin từ các cơ quan quản lý và những nhà phân tích. Kết quả khảo sát được sử dụng để minh họa hoặc đối chiếu với các thông tin, dữ liệu thứ cấp để phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh.
Trong Báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp TP.HCM 2023, TS. Huỳnh Thế Du, thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam nhận định, TP.HCM vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp đặt trụ sở và tổ chức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của Thành phố đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước. “Sức khoẻ” của các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại.
Cụ thể là, Thành phố chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022; không có doanh nghiệp nào trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500). Nếu chỉ xét các doanh nghiệp tư nhân, theo xếp hạng trên, trong nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất, năm 2010 Thành phố có 5, nhưng đến năm 2022 chỉ còn 3.
Trong công bố bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất Đông Nam Á năm 2024 (The Southeast Asia 500) của Tạp chí Fortune, Việt Nam có 70 doanh nghiệp với 30 ở Hà Nội và 25 ở TP.HCM. Ngoài ra, các chỉ số về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người của Thành phố cũng giảm so với các thành phố trong khu vực.
Theo ông Du, Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp ở TP.HCM đã chỉ ra, nguyên nhân khiến cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp TP.HCM giảm sút cả về “chất” và “lượng”, đến từ tất cả các yếu tố.
“Đa số các doanh nghiệp về chiến lược, tầm nhìn chưa rõ ràng, không quyết liệt vươn lên, chưa đi cùng nhau và môi trường kinh doanh không thuận lợi. Đó là những yếu tố cản trở khiến TP.HCM và Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có tầm trong khu vực và có vị trí trên thế giới”, ông Huỳnh Thế Du nói.
Ông Trần Hoàng, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn cho biết, Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh sẽ được tạp chí này phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hàng năm.
Từ năm 2025, Diễn đàn sẽ có nội dung phân tích dữ liệu cho cả 63 tỉnh thành, tổ chức khảo sát các cơ quan chức năng, hội doanh nghiệp và phân tích sâu về năng lực cạnh tranh cho một số địa phương được lựa chọn.
“Báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp ở TP.HCM 2023” tập trung vào ba mục tiêu:
– Thứ nhất, phân tích kết quả hoạt động giai đoạn 2000-2023 để đánh giá vị thế hiện tại và sự thay đổi vị thế theo thời gian của lực lượng doanh nghiệp tại TP. HCM. Việc phân tích được chia làm các thời kỳ gồm: 2000-2010, 2010-2019 và 2019-2023 để thấy sự thay đổi dài hạn và tác động của Đại dịch Covid- một biến cố rất lớn gần đây.
– Thứ hai, đánh giá năng lực cạnh tranh nội tại và môi trường hoạt động của lực lượng doanh nghiệp ở TP.HCM. Việc đánh giá này dựa vào các số liệu có sẵn, khảo sát cảm nhận và đánh giá chủ quan của người đại diện các doanh nghiệp và những người có liên quan và am hiểu về lực lượng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế TP.HCM, đặt trong bối cảnh cả nước và khu vực.
– Thứ ba, nêu ra các gợi ý để các doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác và phối hợp như hội và hiệp hội, và các cơ quan ban ngành của TP.HCM có thể tham khảo trong nỗ lực tạo dựng một lực lượng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, tạo ra nhiều của cải cho xã hội và việc làm cho người lao động.
Nguồn: Vov.vn